Nhắc đến những nhà đầu tư vĩ đại nhất trong nhiều thập kỷ qua, chắc hẳn ai cũng nghĩ ngay đến Warren Buffett, cùng với sự thành công của Berkshire Hathaway.
Nhưng có lẽ không nhiều người để ý đến người cộng sự thân cận, hay còn được gọi là “cánh tay phải” của ông – Charlie Munger.
Bạn có biết rằng, hầu hết những thương vụ thành công của Warren Buffett trong khoảng 40 năm trở lại đây hầu hết đều có bóng dáng của Charlie Munger phía sau?
Qua bài viết này, bạn sẽ được hiểu rõ hơn về cuộc đời và sự nghiệp của Charlie Munger, cũng như những triết lý đầu tư đắt giá của một trong những nhà đầu tư tài giỏi nhất mọi thời đại.
Charlie Munger là ai?
Charlie Munger hiện là Phó Chủ tịch tập đoàn Berkshire Hathaway. Với khối tài sản ước tính khoảng 1.19 tỷ USD, Charlie Munger là một trong những tỷ phú giàu có nổi tiếng thế giới.
Cùng với Warren Buffett, “cặp bài trùng” đã trải qua biết bao thương vụ thành công vang dội, khiến giới đầu tư không khỏi nể phục.
Nhiều tiếng vang là vậy, nhưng chắc hẳn ít ai biết đến một Charlie Munger những ngày còn chưa có gì trong tay.
Cuộc đời Charlie Munger là một chuỗi những bi kịch với vô vàn sóng gió. Tuy nhiên Munger luôn mạnh mẽ trước số phận và luôn vượt lên được trước mỗi biến cố lớn trong cuộc đời.
Bởi vậy chúng ta mới có được một nhà đầu tư đại tài, một vị tỷ phú lỗi lạc như ngày nay.
Câu chuyện cuộc đời Charlie Munger
Charlie Munger (Charles Thomas Munger) sinh ngày 1/1/1924. Ông sinh ra và lớn lên tại Omaha, Nebraska – cũng là quê hương của Warren Buffett.
Gia đình Munger vốn dĩ đi lên từ nghèo khó. Nhờ có ông nội của ông, một thẩm phán liên bang, sau này gia đình Munger được đưa lên hàng danh giá trong khu vực. Cha của Munger – Alfred Case Munger – là một luật sư.
Cậu bé miệng rộng Charlie
Thưở nhỏ Munger là một cậu bé nghịch ngợm nhưng rất thông minh và hoạt bát. Ấn tượng của mọi người về cậu bé Charlie đó là một đứa trẻ lanh lợi và láu cá, với điệu cười rộng miệng đặc trưng.
Hồi còn nghèo khó, cậu bé Charlie đã từng phải chịu những sự sỉ nhục vì muốn che giấu hoàn cảnh của mình.
Vốn dĩ Charlie có vóc dáng nhỏ con, nên ông chỉ có thể bắt cặp với Mary McArthur – cô bé duy nhất trong thành phố thấp hơn ông khi khiêu vũ vào tối thứ sáu hàng tuần. Ông cũng thường tỏ ra khó chịu khi bị người khác chế nhạo chiều cao của ông.
Ở trường trung học, Charlie được mọi người đặt cho biệt danh là “Brains”. Ông khá nổi tiếng ở trường vì sự hiếu động và tính cách biệt lập của mình.
Sinh ra trong một gia đình có truyền thống coi trọng việc học, Charlie Munger luôn cố gắng học hành thật giỏi giang. Ông đã đỗ vào chuyên Toán của Đại học Michigan khi mới chỉ 17 tuổi.
Tuy nhiên, thế chiến thứ 2 xảy ra và ông đành phải bỏ ngang việc học để ghi danh vào quân đội.
Trong quân đội, ông vẫn đăng ký học hàm thụ của Đại học New Mexico và Học viện Công nghệ California để lấy các chứng chỉ ngành khí tượng học.
Sau đó, ông trở thành nhân viên khí tượng quân đội ở một trung tâm khí tượng tại Alaska.
Charlie Munger tự cho rằng mình không có ích nhiều cho quân đội và nhờ có may mắn mới được đóng quân xa vùng nguy hiểm.
Khi đó, rủi ro lớn nhất mà ông phải đối mặt đó là vấn đề tài chính. Chưa bằng lòng với những đồng lương quân đội ít ỏi, ông quyết định tăng thêm thu nhập bằng cách chơi poker.
Bản thân ông cũng bất ngờ vì nhận ra mình chơi rất tốt, vì đã tìm ra được cách thua nhanh khi gặp tình huống xấu và mạnh tay khi có những lá bài tốt trong tay.
Không ngờ đây cũng chính là tiền đề cho sự nghiệp tài chính sau này của ông.
Khi chiến tranh kết thúc, ông giải ngũ và tiếp tục sự nghiệp học hành của mình.
Không quá khó khăn, nhờ nỗ lực tham gia các khóa học cao cấp tại Caltech ông đã giành được một tấm vé vào thẳng Khoa Luật trường Đại học Harvard danh giá.
Khoảng thời gian này ông gặp được người phụ nữ của đời mình – Nancy Huggins – và nhanh chóng tiến tới hôn nhân khi mới chỉ 21 tuổi.
Mọi việc vẫn suôn sẻ và êm đẹp với Charlie Munger cho đến sau khi ông tốt nghiệp loại giỏi Đại học Harvard. Ông cùng gia đình chuyển tới một vùng quê ở Califonia để bắt đầu sự nghiệp luật sư tại nơi đây.
Những biến cố trong cuộc đời
Cuộc đời Charlie Munger bắt đầu xuất hiện những biến cố từ năm ông 29 tuổi. Sau những bất hòa không thể giải quyết, năm 1953, Munger và vợ quyết định ly hôn sau 8 năm sống chung.
Sau khi ly thân, vợ cũ của Munger gần như lấy hết mọi tài sản, kể cả căn nhà của họ.
Mặc dù họ vẫn sắp xếp ổn thỏa trong việc chu cấp bảo trợ cho những người con, nhưng Munger vẫn phải chịu cảnh một nách ba đứa con thơ khi gần như không có gì trong tay.
Munger đành phải dọn đến ở một căn phòng của câu lạc bộ trường đại học. Ông cũng mua lại một chiếc xe Pontiac sơn màu vàng cũ kỹ tàn tạ.
Khi được cô con gái nhỏ hỏi rằng tại sao ông lại đi con xe tồi tàn ấy thì ông chỉ biết trả lời cay đắng rằng “để làm nản lòng những cô nàng đào mỏ”.
Một năm sau khi sống riêng, sóng gió lại ập đến với Munger khi Teddy – cậu con trai duy nhất của ông bị phát hiện mắc bệnh ung thư bạch cầu khi chỉ mới 8 tuổi.
Dù ông và người vợ cũ đã cố gắng tìm đến mọi sự trợ giúp từ giới y học, nhưng tại thời điểm đó, căn bệnh dường như là vô phương cứu chữa.
Khoảng thời gian này, Teddy phải thường xuyên lui tới bệnh viện. Munger cũng tranh thủ vừa đi làm ở văn phòng vừa liên tục vào viện thăm con.
Lần nào đến thăm ông cũng luôn ôm chặt con mình vào lòng, trong cảm giác bất lực của một người cha không thể làm gì để cứu được con.
Nhiều người đã chứng kiến Munger đi dọc các con phố của Pasadena khóc cho con trai mình, khóc vì cuộc sống quá bất công khi cướp đi của ông quá nhiều thứ, cướp đi những người xung quanh ông.
Sau một năm chống chọi với bệnh tật, Teddy Munger qua đời. Khi đó, Charlie Munger mới 31 tuổi – tuổi 31 đầy sóng gió.
Nhưng rồi ai cũng phải bước tiếp. Ông quyết tâm gạt qua những đau khổ trước mắt để bắt đầu hành trình mới.
Munger quyết định đi bước nữa dù rất khó khăn với ông sau khi trải qua cảnh gia đình tan vỡ. Đầu năm 1956, ông cưới Nancy Berry Borthwick – một người phụ nữ mạnh mẽ cũng từng ly hôn như ông.
Nancy có hai người con riêng, cuối cùng cả sáu người về chung một nhà và có một cuộc sống dần khá lên.
Sau này, họ sinh thêm ba người con gái và một người con trai nữa. Một tay Nancy đảm nhận việc nuôi tám người con cùng việc chăm lo cho gia đình.
Ổn định chưa được bao lâu, bố Munger đột ngột qua đời. Vì vậy ông phải trở về quê hương để giúp gia đình vượt qua khoảng thời gian khó khăn.
Sau chuyến về quê, Munger quyết định nghỉ việc để mở công ty luật riêng – mang tên Munger, Tolles & Olson LLP – chuyên tư vấn pháp lí trong lĩnh vực bất động sản.
Nhưng rồi ông nhận ra rằng chỉ với công ty luật sẽ không thể giúp ông giàu có được. Vì vậy ông bắt đầu tìm kiếm những cơ hội khác để nâng cao thu nhập.
Ông xác định: Khách hàng đáng giá nhất của mình chính là bản thân. Vậy nên ông thường dành ra mỗi ngày một giờ để tự trau dồi kiến thức.
Munger có một khao khát làm giàu khá mãnh liệt, nhưng không phải là để mua xe Ferrari xịn. Mục tiêu lớn nhất của Munger đó là độc lập tài chính. Ông không muốn để người khác thanh toán các hóa đơn cho mình.
Cuộc gặp gỡ định mệnh với Warren Buffett
Trong khoảng thời gian làm việc tại quê nhà, Munger bắt đầu mở rộng xây dựng các mối quan hệ xung quanh.
Khi đó, một người góp vốn vào quỹ Buffett do quý mến ông nên đã mời ông đến dùng bữa cùng Warren Buffett tại một câu lạc bộ dành riêng cho những người giàu có ở Omaha.
Họ nhanh chóng làm quen và trở nên thân thiết với nhau. Có lẽ nguyên nhân khiến họ thân thiết được với nhau hơn là do Munger không hề nể sợ tài năng của Buffett.
Chính Buffett là người thuyết phục Munger đổi nghề luật sư vì cho rằng “hành nghề luật sư là phí phạm tài năng”, và Munger cũng không phản đối ý kiến đó.
Cũng trong những cuộc trò chuyện với Buffett, Munger đã thể hiện sự hứng thú của mình trong lĩnh vực đầu tư.
Cuối cùng, sau nhiều tác động, ông đã thành lập quỹ Wheeler, Munger & Co vào năm 1962, với trụ sở đặt tại một văn phòng giao dịch chứng khoán Thái Bình Dương.
Quỹ đầu tư của Munger tăng trưởng với tỷ suất gộp hàng năm vào khoảng gần 20%, trong khi chỉ số Dow jones thời điểm đó chỉ đạt khoảng 5%.
Quỹ hoạt động được hơn 10 năm, cho đến khi sáp nhập với Berkshire Hathway vào cuối những năm 70.
Tuy nhiên chuỗi bi kịch cuộc đời của Munger vẫn chưa kết thúc. Sau này khi đã ổn định về tài chính thì Munger lại phải đối mặt với vấn đề sức khỏe.
Ngoài 50 tuổi, ông bất ngờ mắc phải căn bệnh đục thủy tinh thể và phải phẫu thuật. Vào thời điểm đó đục thủy tinh thể không phải là một bệnh khó chữa, với tỷ lệ phẫu thuật thành công lên đến 98%.
Nhưng vận may không muốn tìm đến Munger, khi quyết định đẩy ông vào 2% còn lại. Ca phẫu thuật khiến ông bị mù hẳn một bên mắt và phải chịu những di chứng nặng nề.
Mặc dù việc để một ca phẫu thuật không quá phức tạp này thất bại là lỗi của bác sĩ thực hiện, nhưng Munger hoàn toàn không một lời trách móc mà chấp nhận nó như là lỗi lầm của mình.
Sau khi hồi phục, Munger lại tiếp tục quay trở lại việc kinh doanh. Ông không những không trách bệnh viện nơi đã làm mình mất một mắt mà thậm chí còn tham gia hội đồng quản trị của bệnh viện, rót vốn và phát triển nó lớn mạnh hơn.
Triết lý đầu tư của Charlie Munger
Charlie Munger không phải là một nhà đầu tư được tiếp xúc với những kiến thức tài chính từ hồi đi học. Ông vốn được đào tạo để trở thành một nhà khí tượng học, hoặc một luật sư.
Ấy vậy mà giờ đây Munger đã trở thành một nhà đầu tư đại tài, là một phần không thể thiếu của đế chế Berkshire Hathaway hùng mạnh ngày nay.
Khác với Buffett, đầu tư giá trị không phải là phương pháp đầu tư ưa thích của Munger. Ông cho rằng việc mua một doanh nghiệp tốt với mức giá vừa phải sẽ tốt hơn mua một công ty đang có nhiều vấn đề với mức giá rẻ.
Cũng chính nền tảng này đã được Munger áp dụng để thiết kế nên Berkshire như hiện tại.
Charlie Munger là một người thích tiếp cận mọi việc theo hướng tiêu cực. Khi đối diện với các vấn đề trong cuộc sống, ông đều đặt ra câu hỏi: điều tồi tệ nhất có thể xảy ra là gì?
Nghe có vẻ gây khó khăn cho ông nhưng thực chất cách đối diện này lại rất có ích trong đầu tư.
Câu nói được xem là trích dẫn ưa thích của Munger đó là: “Nghịch đảo, luôn luôn nghịch đảo” – Carl Jacobi.
Tính cách của Charlie Munger bị chịu ảnh hưởng khá nhiều từ Benjamin Franklin. Ông coi trọng những lời nói từ Franklin còn nhiều hơn cả những gì được giảng dạy tại trường.
Trong suốt sự nghiệp đầu tư của mình, Munger đã để lại những triết lý đầu tư rất hữu ích mà bất cứ nhà đầu tư nào cũng có thể học hỏi và áp dụng.
Ham muốn làm giàu nhanh chóng thường tiềm ẩn nhiều rủi ro
Thực tế, đã là con người hẳn là ai cũng muốn trở nên giàu có để sống một cuộc sống tốt hơn. Và tất nhiên, không ít người mong muốn đạt được mục tiêu giàu có càng sớm càng tốt.
Chính vì vậy họ trở nên liều lĩnh hơn và tìm mọi cách để nhanh chóng làm giàu.
Bởi vậy họ tìm đến cổ phiếu và các tài sản có sự biến động giá. Tuy nhiên chính ham muốn làm giàu nhanh khiến họ đầu tư một cách mù quáng, sẵn sàng bỏ ra một khoản lớn để thu được lợi nhuận nhanh chóng.
Hiển nhiên, mạo hiểm sẽ đi kèm với rủi ro. Bạn không thể đoán trước được thị trường sẽ diễn biến như thế nào, nên rất dễ rơi vào cảnh thua lỗ nếu gặp phải những tình huống xấu.
Chưa hết, với những người muốn làm giàu bằng kinh doanh, họ có thể sẽ phải đối mặt với vấn đề đòn bẩy thương mại.
Nếu muốn làm giàu nhanh hẳn là phải vay nợ vốn để làm tăng giá nhanh hơn. Và nếu việc kinh doanh không thành công, những khoản vay sẽ có thể trở thành gánh nặng khổng lồ.
Khi mới bắt đầu bước vào con đường đầu tư, Charlie Munger sử dụng rất nhiều đòn bẩy để đầu tư vào cổ phiếu. Nhưng dần dần ông nhận ra những rủi ro có thể gặp phải từ hình thức này.
Vậy nên ông cố gắng tránh vay nợ hết sức có thể, chỉ tập trung vào đầu tư dài hạn, để tìm kiếm lợi nhuận bền vững.
Biết tự ý thức về giới hạn hiểu biết của bản thân để sử dụng chúng hợp lý
Vẫn là câu chuyện tránh sự mạo hiểm. Khi nhận thức được hiểu biết của mình đến đâu, bạn có thể tránh rót tiền vào những lĩnh vực mà mình không nắm rõ.
Chính nhờ quan điểm này mà Munger đã tránh được một rủi ro khá lớn.
Ấy là một câu chuyện từ cuối những năm 90, khi mà các cổ phiếu công nghệ đang ở thời kỳ đỉnh cao của bong bóng, rất nhiều nhà đầu tư đâm đầu vào.
Khi đó, Munger không có quá nhiều kiến thức về cổ phiếu công nghệ hay internet, vì vậy ông quyết định không tham gia mua bán những cổ phiếu này.
Thậm chí nhiều nhà đầu tư lúc đấy còn cho rằng Munger đã xuống phong độ khi bỏ lỡ những cơ hội đầu tư tốt. Nhưng họ không biết rằng chính mình mới đang mắc sai lầm.
Không lâu sau đó, bong bóng vỡ. Các cổ phiếu công nghệ tụt dốc không phanh khiến cho rất nhiều nhà đầu tư phải khốn đốn. Bấy giờ họ mới nhận ra người sáng suốt nhất chính là Charlie Munger.
Muốn bắt cá trong bể, hãy làm cạn bể trước
Một việc rất quan trọng trong đầu tư chứng khoán đó là nắm bắt được cơ hội đầu tư. Vậy làm thế nào để nắm bắt đúng cơ hội vào đúng thời điểm?
Có những lúc thị trường rơi vào trạng thái khủng hoảng, các nhà đầu tư ra sức bán cổ phiếu, thậm chí là cả những cổ phiếu tiềm năng mà họ đã nắm giữ trong thời gian dài.
Chính những lúc như vậy khiến cho “bể cạn”, từ đó mà “cá lớn” xuất hiện. Giá cổ phiếu xuống thấp giúp Munger thấy được những cơ hội lớn, chính là những doanh nghiệp tiềm năng bị rớt giá trong khủng hoảng.
Lạm dụng đa dạng hóa trong đầu tư là một sai lầm
Tất nhiên, ai cũng biết đa dạng hóa là một chiến lược hiệu quả trong đầu tư. Nhưng không phải ai cũng biết áp dụng đúng cách để nó thật sự hiệu quả.
Thông thường các chuyên gia tư vấn tài chính dùng cách đa dạng hóa để thể hiện năng lực của mình.
Tuy nhiên, nếu sở hữu quá nhiều cổ phiếu trong một danh mục có thể gây ra tình trạng triệt tiêu lẫn nhau giữa các cổ phiếu.
Charlie Munger cho rằng, “ít mà chất còn hơn nhiều mà loãng”. Nếu đầu tư vào những doanh nghiệp có nền tảng vững chắc, có mức giá bán không quá cao, danh mục đầu tư của bạn hoàn toàn có thể giữ ở mức chỉ từ 10 doanh nghiệp hoặc ít hơn.
Nhờ vậy, bạn có thể tránh được những rủi ro bất ngờ nhưng vẫn giữ được danh mục đầu tư tăng trưởng ổn định.
Vì vậy Munger khuyên các nhà đầu tư không nên tôn thờ đa dạng hóa danh mục một cách mù quáng mà hãy giữ danh mục ở mức có thể dễ dàng điều chỉnh.
Charlie Munger và thương vụ nổi tiếng
Những thương vụ nổi tiếng của Charlie Munger chủ yếu gắn liền với Berkshire Hathaway và Warren Buffett.
Từ sau khi trở thành một phần không thể thiếu của Berkshire, trong hầu hết các thương vụ đầu tư, Buffett đều bàn bạc kỹ với Munger để đưa ra quyết định thống nhất.
Để kể đến một trong những thương vụ thành công nổi tiếng của cặp đôi huyền thoại, không thể bỏ qua thương vụ mua lại doanh nghiệp See’s Candies năm 1972.
See’s Candies là doanh nghiệp chất lượng cao đầu tiên mà Berkshire mua lại. Trước đó, theo chiến lược đầu tư giá trị của Buffett, Berkshire chỉ tập trung đầu tư vào những doanh nghiệp có tiềm năng nhưng bị đánh giá thấp nên giá rẻ.
See’s chính là mở đầu cho cam kết mua lại các doanh nghiệp có tiếng của Berkshire.
Thông thường, trong mỗi thương vụ đầu tư, Buffett và Munger sẽ thiên về mua cả công ty chứ không chỉ mua cổ phiếu.
Ở thời điểm đó, các công ty bánh kẹo có giá rất đắt. Vì vậy dù đã tìm kiếm bấy lâu nhưng Buffett vẫn chưa sở hữu cổ phiếu nào của những công ty này.
See’s Candies được sáng lập bởi một người Canada vào năm 1921. Ở thời điểm Buffett mua lại, công ty đã có chiều dài lịch sử hơn 50 năm, với sản phẩm chính là các loại bánh bơ, socola, kem và các loại hạt hảo hạng khác.
Chất lượng của See’s được đánh giá là tốt hơn cả “chất lượng tốt nhất” lúc bấy giờ.
Sau khi nghe nói về việc See’s Candies được rao bán, Buffett liền liên lạc với Munger để bàn bạc. Munger cho rằng đây là một ngành kinh doanh hấp dẫn. Ông đánh giá rất cao tên tuổi hơn 50 năm của See’s.
Munger nói với Buffett rằng họ có thể mua công ty với mức giá phải chăng, và muốn cạnh tranh với thương hiệu này thì phải tung hết vốn liếng.
Đồng thời, ông cũng muốn giữ lại nhà quản lý hiện tại của See’s – Chuck Huggins.
Từ cách đánh giá của Munger, ta thấy được ông đã sử dụng bộ tiêu chí 4M mà sau này được Phil Town tổng hợp lại, bao gồm 4 yếu tố: ngành nghề dễ hiểu, lợi thế cạnh tranh, ban lãnh đạo và mức giá hợp lý.
Tư duy đột phá ấy của Munger đã ảnh hưởng rất nhiều đến Buffett từ sau thương vụ lần này.
Khi đó, See’s đề nghị mức giá 30 triệu USD cho khối tài sản trị giá 5 triệu USD của họ. Sự chênh lệch về giá là do giá trị thương hiệu của See’s, cùng với sự tín nhiệm từ khách hàng của họ.
Cuối cùng, Buffett và Munger đã mua lại được See’s với mức giá mà họ thương lượng là 25 triệu USD. Đối với họ, See’s giống như một trái phiếu có các khoản chi trả lãi tăng dần.
Kể từ khi bước chân vào hội đồng quản trị của See’s, tư duy của Buffett thay đổi hoàn toàn. Ông bắt đầu quan tâm hơn đến thương hiệu, sẵn sàng trả mức giá cao hơn cho những tài sản chất lượng.
Sau 40 năm kể từ khi Berkshire mua lại See’s Candies, công ty đã tăng lợi nhuận trước thuế hơn 20 lần, đến mức 82 triệu USD nhờ việc tăng nhẹ giá bán qua từng năm.
Cũng nhờ những dòng tiền kinh doanh “sạch” và “lớn” này, Buffett đã đầu tư thêm được nhiều doanh nghiệp tốt khác như GEICO, Washington Post, Coca Cola, American Express, Gillette… và thậm chí cả Apple.
Với riêng Buffett, See’s đã đem lại cho ông lợi nhuận lên tới 1.65 tỷ USD, gấp 66 lần so với số vốn mà ông và Munger bỏ ra để mua lại công ty 40 năm về trước.
Thương vụ See’s Candies là một trong những thương vụ thành công nổi tiếng nhất kể từ khi Charlie Munger gia nhập Berkshire Hathaway. Chính Munger đã tác động rất nhiều đến sự thành công của thương vụ này.
Charlie Munger quotes: Những câu nói nổi tiếng của Charlie Munger
Cũng giống như Buffett, Charlie Munger đã để lại nhiều câu nói sắc bén, nêu rõ quan điểm trong đầu tư.
Dưới đây là những câu nói hay nhất của Charlie Munger, những câu nói được xem là hữu ích nhất cho các nhà đầu tư không chỉ trong đầu tư mà cả trong kinh doanh và cuộc sống.
- “Nếu bạn nghĩ IQ của mình là 160 nhưng thực chất chỉ là 150 thì đó là một thảm họa. Sẽ tốt hơn nếu IQ của bạn là 130 nhưng bạn lại nghĩ rằng nó là 120.”
- “Khi bạn muốn làm tốt việc gì đó có tính cạnh tranh cao, hiển nhiên rằng bạn phải thường xuyên nghĩ về nó và thực hành thật nhiều. Thế giới thì không ngừng đổi thay còn những đối thủ cạnh tranh thì không ngừng trau dồi kiến thức. Vì vậy bạn phải luôn luôn học hỏi. Khi đi ngủ, bạn phải trở nên thông thái hơn so với khi thức dậy.”
- “Nếu Warren Buffett đi học múa ballet, có lẽ sẽ chẳng ai biết đến tên tuổi của ông như ngày nay. Hãy làm việc mà bạn yêu thích và có đam mê, bạn sẽ làm tốt hơn rất nhiều.”
- “Chi phí cơ hội là một bộ lọc lớn của cuộc sống. Nếu có hai người cùng lúc theo đuổi bạn, hẳn là bạn sẽ lựa chọn người mà bạn cho là tốt hơn so với người còn lại. Việc chọn lọc cổ phiếu cũng vậy. Mọi người thường có xu hướng phức tạp hóa vấn đề, nhưng tôi thường chọn những gì đơn giản. Bản thân mỗi chúng ta đều luôn có những ý tưởng cơ bản nhất trong đầu.”
- “Tôi đã gặp được những trí tuệ vĩ đại ở trong sách chứ không phải trong lớp học. Không thể nhớ chính xác tôi đã đọc sách về Benjamin Franklin từ khi nào, nhưng từ bé tầm 7-8 tuổi tôi đã có sách của Thomas Jefferson gối đầu giường.”
- “Sinh viên được dạy ở trường kinh doanh rằng bí mật lớn nhất của đầu tư là đa dạng hóa. Tuy nhiên, chính xác phải là ngược lại. Thật điên rồ khi một chuyên gia tính đến chuyện đa dạng hóa. Mục tiêu của đầu tư là tìm ra lúc nào là an toàn nếu không đa dạng hóa. Nếu bạn chỉ đặt cược 20% vào cơ hội chỉ xuất hiện một lần trong đời, bạn rất có thể sẽ phải hối tiếc sau này.”
- “Có một chàng trai trẻ đã tìm đến nhà thiên tài soạn nhạc Mozart để hỏi ông về cách viết nhạc. Ông từ chối giúp đỡ và nói rằng cậu còn quá trẻ. Nhưng cậu thanh niên đã đáp lại rằng khi Mozart bắt đầu soạn nhạc ông cũng rất trẻ. Và Mozart đã phản bác lại rằng khi đó ông không hề đi tìm người khác để xin lời khuyên.”
- “Benjamin Graham vốn là một huyền thoại với bộ óc thiên tài. Ông vốn là người truyền cảm hứng cho bao thế hệ, trong đó có cả Warren Buffett. Thế nhưng, điều thú vị là Buffett – học trò xuất sắc nhất trong 30 năm giảng dạy của ông – lại trở nên vượt trội và có thành tích nổi bật hơn cả thầy của mình. Theo lời Milton đã từng nói, bạn sẽ có tầm nhìn xa hơn người khác nhờ việc đứng trên vai của những người khổng lồ. Nhờ đứng trên vai Graham, Buffett đã nhìn xa hơn và làm tốt hơn. Vì vậy, chẳng lạ gì khi có những người giỏi hơn chúng ta sẽ xuất hiện trong tương lai.”
- “Điều gì khiến bạn muốn tránh nhất? Đó là tránh làm một con lười và một người không đáng tin cậy. Nếu bạn không đáng tin, mọi đức tính khác của bạn đều trở nên vô nghĩa. Hãy thực hiện những gì đã cam kết, để tránh trở thành một kẻ lười biếng và không đáng tin.”
- “Trong cuộc sống đôi khi sẽ có những cơn gió mạnh khủng khiếp và không công bằng. Sẽ có những người vượt qua được, nhưng một số khác thì không. Tôi nghĩ rằng trong cuộc sống, thái độ của Epictetus là tốt nhất. Ông cho rằng tất cả mọi cơ hội đã bỏ lỡ là một cơ hội để làm tốt hơn, là một cơ hội để học hỏi thêm điều gì đó. Đừng để bản thân bị chìm trong sự tự thương hại, hãy dùng những cơn gió đáng sợ đó để tạo ra một kiểu mẫu mang tính xây dựng.”
- “100% các khoản nợ vẫn sẽ ở đó cho dù bạn có để tâm hay không. Bởi vậy thay vì tập trung vào các khoản nợ, hãy chú ý tới tài sản của bạn để có thể độc lập tài chính và sống thoải mái hơn.”
- “Bạn sẽ chẳng bao giờ biết được bao giờ thì những tai họa sẽ ập đến với mình. Vì vậy tốt nhất nên chi tiêu hợp lý để sẵn sàng đối phó khi cần. Đừng nghĩ rằng ‘Cứ tiêu đi rồi lại kiếm thêm để bù vào’. Tư tưởng này sẽ dần ăn sâu vào tâm trí bạn và sẽ khiến bạn chẳng bao giờ giàu có được.”
Bên cạnh những câu quotes nổi tiếng trên, Charlie Munger còn để lại rất nhiều bài học về đầu tư đáng quý khác.
Hãy tìm đọc những cuốn sách hay nhất về Munger để hiểu sâu hơn về con người cũng như phong cách đầu tư đặc biệt của ông.
Sách hay về Charlie Munger
Bản thân cuộc đời Charlie Munger viết ra cũng đủ để trở thành một tác phẩm đáng đọc về nghị lực của con người trong cuộc sống.
Nhiều tác giả đã viết về ông, như một người truyền cảm hứng cho bất cứ ai chứ không riêng mình các nhà đầu tư.
GoValue đã chọn ra ba cuốn sách nổi bật nhất, thể hiện rõ nhất con người và sự nghiệp của Charlie Munger, cùng với những lời khuyên mà ông để lại cho các thế hệ nối tiếp.
- 138 Lời Khuyên Đắt Giá Từ Ông Trùm Đầu Tư Charlie Munger (David Clark)
Cuốn sách là những tổng hợp chi tiết nhất về những triết lý đầu tư của Munger.
Qua 138 lời khuyên được đề cập đến, ta có thể hình dung tại sao một con người chưa hề được đào tạo qua trường lớp về kinh tế hay tài chính lại có thể trở thành một trong những nhà đầu tư vĩ đại nhất nhiều thập kỷ qua.
Cuốn sách này thích hợp với những ai đang trong quá trình tìm hiểu về đầu tư. Nó sẽ dễ dàng trở thành một người dẫn dắt để bạn cải thiện được khả năng đầu tư, nâng cao các kỹ năng phân tích và tư duy trong đầu tư của bạn.
Không chỉ về đầu tư, cuốn sách còn bao gồm cả những lời khuyên đắt giá của Munger về những bài học trong cuộc sống.
- Poor Charlie’s Almanack (Peter D. Kaufman)
Cuốn sách là tập hợp những bài phát biểu của Charlie Munger, được biên soạn bởi Peter D. Kaufman và xuất bản lần đầu năm 2005.
Cuốn sách được viết theo một phong cách rất độc đáo. Các ý tưởng không được liệt kê một cách có trật tự, với những hình ảnh được đưa ra cùng với những ý tưởng của Munger để “khiến tâm trí tiếp cận với ý tưởng”, từ đó làm tăng khả năng ghi nhớ hơn.
- Charlie Munger: The Complete Investor (Tren Griffin)
Cuốn sách này tập trung đi sâu vào các bước quan trọng trong chiến lược đầu tư của Munger. Tất cả được cô đọng và chắt lọc thông qua các bài phỏng vấn, phát biểu, thư gửi cổ đông và kết hợp với những đánh giá từ các chuyên gia, nhà quản lý quỹ và các nhà đầu tư giá trị.
Các tiếp cận của Munger trong đầu tư cũng khá đơn giản, các nhà đầu tư đều có thể học hỏi và áp dụng vào danh mục đầu tư của mình.
Không đơn giản chỉ nói về đầu tư, cuốn sách còn giúp bạn nuôi dưỡng các mô hình tinh thần cho cuộc đời bạn.
Bottom line
Qua câu chuyện cuộc đời của Charlie Munger, chúng ta có thể thấy được nghị lực quan trọng thế nào trong cuộc sống.
Ở bất cứ thời điểm nào trong cuộc đời của mình, Munger hoàn toàn đã có thể buông xuôi và đầu hàng số phận. Nhưng ông đã không để điều đó xảy ra.
Dù cuộc sống có đối xử bất công như thế nào, bằng ý chí và nghị lực kiên cường, chúng ta vẫn có thể vượt qua được.
Là một nhà đầu tư vĩ đại của thế kỷ, Charlie Munger không chỉ để lại cho chúng ta những bài học đắt giá về đầu tư, mà còn mang đến những bài học sâu sắc về chiến thắng số phận, nghị lực vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống.